Thực trạng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp
Thực hiện chủ trương đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng NTM, những năm gần đây, trên địa bàn Quảng Trị xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật có hiệu quả, bước đầu thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Về trồng trọt, đã hình thành một số mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” chuyên canh lúa chất lượng cao trên diện tích canh tác 12.726 ha ở các huyện Triệu Phong, Hải Lăng, Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ... Các mô hình này đã áp dụng các biện pháp nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm như: nâng cấp năng lực tưới tiêu, khai thác có hiệu quả hệ thống thủy lợi công trình đầu mối, tích cực nạo vét kênh mương, giao thông nội đồng, đổi thửa, dồn điền, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng nhiều loại giống mới thích ứng theo từng vùng, tăng cường cơ giới hóa khâu làm đất thu hoạch, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.
Mô hình cơ giới hóa đồng ruộng xã Gio Quang (huyện Gio Linh) với 490 chiếc máy nông nghiệp các loại, trong đó có 80 chiếc máy Kubuta có công suất lớn, 5 máy gặt rải hàng, 15 máy gặt đập liên hợp, máy tuốt lúa, máy bơm, vận chuyển nông sản... Những năm gần đây, vụ mùa ở Gio Quang thường bắt đầu sớm hơn những nơi khác hàng chục ngày và do cơ giới hóa nên chỉ diễn ra trong 10 ngày, rút ngắn khoảng 20 ngày so với làm thủ công. Thời gian còn lại, chủ nhân của những chiếc máy này liên kết với nhau thành tổ hợp tác, nhận làm dịch vụ cho các địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Lợi ích mà tổ hợp dịch vụ máy cơ giới này đem lại là “bao tiêu trọn gói” một cánh đồng làm đất, thu hoạch đúng thời vụ và chi phí theo hợp đồng đã cam kết. Hiện nay, 100% diện tích sản xuất nông nghiệp của Gio Quang đều được cơ giới hóa.
Mô hình sản xuất nông nghiệp xã Vĩnh Thủy (huyện Vĩnh Linh) hình thành trên nền móng HTX quy mô toàn xã thời kỳ 1978 - 1985; được quy hoạch, sắp xếp các khu dân cư, hệ thống giao thông theo ô bàn cờ; có làng kinh tế mới Tân Thủy, được hình thành từ chương trình di dân phát triển kinh tế gò đồi, chủ yếu là phát triển cây cao su và trồng rừng (1.133 ha cao su tiểu điền, 1.470 ha cây lâm nghiệp). Nét nổi bật của Vĩnh Thủy là cơ sở hạ tầng giao thông, thủy lợi được hoàn thiện, nâng cấp; 100% diện tích canh tác được cơ giới hóa; thu gom rác, xử lý rác thải, bảo vệ môi trường sản xuất và đời sống; xử lý sinh học trong chăn nuôi.
Mô hình vùng sắn nguyên liệu tập trung với diện tích 10.725 ha ở huyện Hướng Hóa và Đakrông là một điển hình tận dụng lợi thế đất đai; đồng thời còn là mô hình liên kết giữa nông dân với các doanh nghiệp trong sản xuất và tiêu thụ sắn. Mô hình này không chỉ đảm bảo cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn với công suất trên 500.000 tấn nguyên liệu/năm mà còn góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói gảm nghèo cho người nông dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Trên cơ sở lợi thế của từng vùng, mô hình cây công nghiệp dài ngày được mở rộng, đặc biệt là cây cao su, cà phê, hồ tiêu ở Hướng Hóa, Đakrông, miền Tây Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh (hiện nay toàn tỉnh có 18.512 ha cao su; 2.005 ha hồ tiêu; 4.949,8 ha cây cà phê). Ở đây, nhiều doanh nghiệp, trang trại, gia trại, hộ nông dân bước đầu có xu hướng liên kết, ứng dụng công nghệ mới theo chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm mang lại hiệu quả cho xuất khẩu sản phẩm cao su, cà phê, hồ tiêu và xúc tiến xây dựng thương hiệu theo chỉ dẫn địa lý. Hiện cả tỉnh có gần 10 doanh nghiệp chế biến mủ cao su với tổng công suất 31.500 tấn; 13 cơ sở thu mua, chế biến cà phê với tổng công suất thiết kế trên 90.000 tấn cà phê tươi/ năm (tương đương 15.000 tấn cà phê nhân/năm).
Mô hình sản xuất, kinh doanh, quản lý lâm nghiệp bằng lồng ghép các chương trình, chính sách của Nhà nước, xây dựng chương trình, dự án quản lý rừng bền vững để cấp chứng chỉ FSC. Năm 2007, được sự giúp đỡ về mặt kỹ thuật và kinh phí của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF), Việt Nam đã cấp chứng chỉ FSC cho nhóm và hộ gia đình nông dân ở 2 xã Trung Sơn và Vĩnh Thủy. Từ đó đến nay, dự án được tiếp tục mở rộng đến nhiều địa phương với 17 nhóm hộ của 8 xã tham gia. Hiện có hơn 15.000 ha rừng được cấp chứng chỉ FSC.
Ngoài ra, còn nhiều mô hình trang trại, gia trại, vườn- ao- chuồng của hộ gia đình nông dân tận dụng được khả năng canh tác của đất đai sau đổi thửa, dồn điền, phát huy khả năng lao động, tận dụng được lao động thời vụ với phương pháp kết hợp vườn- ao- chuồng, trồng cây ăn quả, cây công nghiệp, chăn nuôi; ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm,...
Qua các mô hình trên cho thấy, các yếu tố cấu thành cơ bản của nền nông nghiệp và các mô hình sản xuất nông nghiệp đã được tạo lập, đi vào hoạt động, từng bước phát triển theo chiều sâu. Kết quả từ các mô hình này ngày càng rõ nét hơn, thể hiện khả năng tiếp cận, tham gia vào lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng NTM và hướng vào các khâu, các nhân tố cần đột phá trong nền nông nghiệp của địa phương; góp phần tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tăng sản phẩm hàng hóa và kim ngạch xuất khẩu; tạo thêm công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho nông dân.
Tuy nhiên, việc phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp ở Quảng Trị còn mang tính phong trào. Phần lớn các đối tượng trong xu hướng liên kết chưa mặn mà, đang tìm kiếm ở đây cơ hội của cơ chế “xin cho” hơn là cơ chế “thị trường cạnh tranh lành mạnh” và sự liên kết “bốn nhà” trong chuỗi giá trị sản xuất gia tăng chưa thể hiện cấu kết chặt chẽ với xác định mục tiêu sản xuất kinh doanh dài hạn, với quy hoạch, lộ trình tái cấu trúc, xây dựng NTM. Các mô hình sản xuất nhỏ chưa đủ sức để cuốn hút, thúc đẩy nông nghiệp phát triển, động lực cho tái cấu trúc, xây dựng NTM. Nhưng thực chất các mô hình này cũng thể hiện vai trò tích cực, cơ sở ra đời cho các mô hình sản xuất lớn nông nghiệp hiện đại làm động lực, đầu tàu cho phát triển nông nghiệp, cho lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng NTM.
Khó khăn, thách thức và những vấn đề đặt ra
Thực tế cho thấy, những mô hình sản xuất mới trong nông nghiệp ở Quảng Trị được hình hành và phát triển trong hoàn cảnh còn gặp không ít khó khăn, thách thức cả về những điều kiện vật chất, kỹ thuật, cơ sở hạ tầng, cũng như tư tưởng, nhận thức, cơ chế chính sách và tổ chức thực hiện.
Trước tiên, về cơ chế chính sách, tuy tỉnh đã có nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách cho nông nghiệp đang phát huy tác dụng, từng bước tạo động lực để các mô hình kinh tế phát triển, song vẫn còn nhiều cơ chế chính sách thiếu cụ thể hóa, đến cơ sở thực hiện có độ trễ rất lớn và còn khoảng cách xa so với thực tế, gây nên những hạn chế không nhỏ cho sự phát triển và nhân rộng các mô hình.
Cụ thể như chưa có khái niệm một cách đầy đủ, xác định tiêu chí cho mô hình sản xuất lớn, ứng dụng công nghệ cao; chưa xác định cơ chế cụ thể về mối quan hệ quản lý giữa các HTX, liên minh HTX các cấp tham gia quản lý quá trình tái sản xuất của các HTX, các tập đoàn, doanh nghiệp nông nghiệp với quy mô hàng nghìn héc ta ruộng đất, hàng nghìn xã viên và cổ đông nông dân, vượt ra khỏi không gian địa bàn xã, huyện hay tỉnh (như doanh nghiệp cao su, cà phê...); chưa có đề án tái cấu trúc để xác định khâu đột phá, xác định yếu tố động lực phát triển nông nghiệp...
Thứ hai, về điều kiện nguồn lực, tiềm năng đất đai, rừng biển, cây con... trên địa bàn tuy đa dạng, phong phú nhưng việc huy động và sử dụng còn kém hiệu quả. Trở ngại lớn nhất cho việc phát triển các mô hình sản xuất lớn là đất đai còn manh mún, sản xuất nhỏ, lao động thủ công là phổ biến, chủ yếu dựa trên kinh tế hộ gia đình. Thêm vào đó do nhiều nguyên nhân đẩy tới tình trạng ruộng đất bỏ hoang. Cơ sở hạ tầng (giao thông, thủy lợi, cung cấp nguồn nước, điện, nhiên liệu...) còn thấp kém, một số nơi chưa được nâng cấp. Lao động có tay nghề và trình độ cao qua đào tạo chiếm tỷ lệ nhỏ và có khuynh hướng “ly nông, ly hương”.
Thứ ba, vốn đến với HTX, doanh nghiệp nông nghiệp và nông dân còn khoảng cách khá xa, khó tiếp cận. Nguyên nhân là do lo ngại rủi ro về thiên tai, dịch bệnh cây trồng, vật nuôi, giá cả thất thường; về quy hoạch xác định phương hướng, nhiệm vụ sản xuất thiếu ổn định trong dài hạn; về cơ chế bảo hiểm tín dụng nông nghiệp còn rất hạn chế; thủ tục vay vốn còn rườm rà, thiếu thực tế với nông dân; lãi suất tín dụng vẫn còn cao và thời gian cho vay còn ở tầm ngắn hạn.
Thứ tư, khoa học - công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng cao, ngành công nghiệp hỗ trợ cho nông nghiệp trên địa bàn còn ở cấp độ rất thấp và có nhiều hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu để phát triển một nền nông nghiệp hàng hóa hiện đại. Việc đầu tư cho khoa học - công nghệ từ ngân sách tỉnh giai đoạn 2010 - 2014 chỉ đạt 0,59% (kế hoạch 2%/năm), cho KH&CN trong nông nghiệp lại càng thấp hơn.
Khắc phục những khó khăn, thách thức trên không chỉ là yêu cầu cần thiết cho mô hình sản xuất lớn nông nghiệp hiện đại, tạo ra xung lực mới cho sự phát triển nông nghiệp bền vững, mà còn đòi hỏi hơn ở tư duy thực sự cho một cuộc cách mạng trong nông nghiệp, cuộc cách mạng ứng dụng công nghệ cao.
Để mô hình sản xuất lớn nông nghiệp phát triển và nhân rộng, vấn đề đặt ra là phải có sự gắn kết chặt chẽ với lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp mạnh mẽ, có bước đi thích hợp, đột phá táo bạo và tạo ra một cuộc cách mạng trong nông nghiệp, một cuộc đổi mới sâu sắc, toàn diện, trước tiên là trong nhận thức và cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện.
Theo đó, cần có một số giải pháp chủ yếu nhằm mở hướng cho phát triển mô hình sản xuất lớn nông nghiệp trên địa bàn như xác định rõ khái niệm, nội hàm và tiêu chí cụ thể của mô hình sản xuất lớn, có quy hoạch, hoạch định, chiến lược dài hạn để dẫn dắt mô hình phát triển theo kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Xây dựng cơ chế chính sách, giải pháp đồng bộ cho việc “giải phóng” mô hình - động lực của sự đột phá trong nông nghiệp. Đổi mới công tác quy hoạch, hoạch định khoanh vùng, xác định cây con, phương hướng nhiệm vụ sản xuất trong lộ trình tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng NTM, gắn kết chặt chẽ với các mô hình sản xuất lớn, đổi mới mô hình tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo chiều sâu trên từng địa bàn, địa lý được xác định bố trí cho mô hình sản xuất.
Tạo môi trường “trong sạch” thuận lợi, bảo đảm những yêu cầu, điều kiện cần thiết, tối thiểu cho mô hình sản xuất lớn phát triển bền vững. Phát triển các hình thức liên kết doanh nghiệp - nông dân; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ; các hình thức dịch vụ cung ứng (vật tư, phụ liệu, phụ kiện, năng lượng, giống cây con, bảo vệ thực vật...) cho đầu tư đầu vào và bao tiêu sản phẩm nông nghiệp... một cách chủ động trước những biến cố bất lợi gây ra của thị trường.
Tỉnh cần có chương trình, dự án cụ thể và tập trung đầu tư để hình thành một số mô hình sản xuất lớn nông nghiệp có quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao theo quy trình khép kín từ vùng nguyên liệu, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Những mô hình này nên hình thành ở những nơi có quy mô diện tích đất đai chuyên canh, chuyên con, vùng nguyên liệu tập trung gắn với khu công nghiệp, cơ sở hạ tầng đảm bảo, giao thông thuận tiện.
Cần sự tham gia trực tiếp của một số nhà đầu tư, doanh nghiệp đủ năng lực để tạo ra doanh nghiệp nông nghiệp trong chuỗi liên kết của mô hình. Coi trọng và phát huy vai trò làm chủ (trực tiếp và đại diện) của nông dân - chủ thể tham gia vào mô hình sản xuất lớn, vào quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng NTM.
Cần có lớp nông dân có tư duy kiến thức làm giàu, biết tổ chức sản xuất, kinh doanh một cách hợp lý và khoa học, biết tạo ra sản phẩm mới có giá trị kinh tế cao, có thương hiệu, mẫu mã, giá cả cạnh tranh trên thị trường. |