Biết tin Dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương tại huyện Triệu Phong tổ chức hội thảo kết nối tiêu thụ nông sản CTTN, anh Đinh Nam Hải, Giám đốc Sale - Marketing, Chuỗi thực phẩm sạch World Mart Hà Nội đã vào Quảng Trị tham gia. Cách đây không lâu, qua buổi làm việc với Tổ chức Tầm nhìn Thế giới, anh Hải được giới thiệu về Dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương tại huyện Triệu Phong và biết đến sản phẩm gạo sạch Triệu Phong. Anh rất tâm đắc khi biết gạo được người dân sản xuất ra bằng phương pháp CTTN, theo quy trình nghiêm ngặt, được các chuyên gia Hàn Quốc chỉ dẫn. Đáng chú ý là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được làm hoàn toàn bằng những phụ phẩm nông nghiệp, trong đó thuốc bảo vệ thực vật được tạo ra từ củ gừng, củ tỏi, trái ớt… Thân cây chuối, cây khoai qua quá trình lên men trở thành phân bón hữu cơ. Các chế phẩm dinh dưỡng làm ra từ trái cây, cá tạp, xương động vật, vỏ trứng… Sau khi nghiên cứu kỹ và dùng thử, anh Hải quyết định bày bán gạo sạch Triệu Phong ở Chuỗi thực phẩm World Mart Hà Nội và được nhiều người tiêu dùng tin chọn. Chỉ trong một thời gian ngắn, Chuỗi thực phẩm World Mart Hà Nội đã bán được 1 tấn gạo. “Khách hàng của chúng tôi có phản hồi rất tốt về sản phẩm gạo sạch Triệu Phong. Gạo thơm, ngon, có vị ngọt tự nhiên. Đây sẽ là sản phẩm chủ lực của chúng tôi trong thời gian tới”, anh Hải khẳng định.
Dù khá bận rộn nhưng anh Nguyễn Thanh Bình (sinh năm 1980), trú tại khu phố 1, phường Đông Lương, thành phố Đông Hà vẫn tranh thủ tham gia hội thảo kết nối tiêu thụ nông sản CTTN. Vốn công tác trong ngành nông nghiệp, anh Bình rất am hiểu về nông sản sạch và rất cẩn thận khi lựa chọn những sản phẩm cho gia đình sử dụng hàng ngày. Sau khi dùng thử gạo sạch Triệu Phong, anh yên tâm về sự lựa chọn của mình. Vợ chồng anh Bình còn đến cửa hàng nông sản sạch Triệu Phong ở số 155A, đường Hàm Nghi, thành phố Đông Hà để mua thịt lợn, thịt gà, trứng, rau… về ăn hàng ngày. Anh Bình chia sẻ: “Thấy gạo sạch Triệu Phong và các nông sản khác đảm bảo chất lượng nên tôi đã giới thiệu cho nhiều người khác dùng thử và ai cũng hài lòng. Từ đó, vợ chồng tôi quyết định làm người khâu nối, đưa sản phẩm sạch đến người tiêu dùng. Hiện chúng tôi có khoảng 40 khách hàng thường xuyên”. Thời gian qua, cán bộ, nhân viên Dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương cùng nhiều hộ dân của 5 xã của huyện Triệu Phong gồm: Triệu Trung, Triệu Trạch, Triệu Tài, Triệu Sơn, Triệu Thượng đã dồn tâm sức làm ra những sản phẩm nông nghiệp sạch và đưa đến tay khách hàng. Khi mới khởi động vào tháng 5/2015, mô hình sản xuất nông nghiệp theo phương thức CTTN chỉ có 70 hộ nông dân tham gia trồng lúa. Đến nay, hơn 400 hộ dân trên địa bàn đã nuôi trồng các giống cây, con gồm: lúa, rau, lợn, gà. Qua triển khai, mô hình CTTN mang lại cho nông dân lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với phương thức canh tác thông thường. Đặc biệt, mô hình giúp bảo vệ sức khoẻ cả người sản xuất và người tiêu dùng; góp phần bảo vệ môi trường, cải thiện hệ sinh thái đồng ruộng; tạo thói quen tốt cho nông dân… Ông Nguyễn Hữu Đạt, trú tại xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong chia sẻ: “Việc sản xuất nông sản sạch theo phương thức CTTN đã mở lối đi mới, đầy triển vọng cho nông dân. Tuy mất nhiều thời gian, công sức nhưng phương thức CTTN gắn với những lợi ích vượt trội so với cách canh tác cũ”. Hiện nay, không chỉ thị trường trong tỉnh, các sản phẩm nông nghiệp sản xuất theo phương thức CTTN của nông dân huyện Triệu Phong đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Kết quả trên xuất phát từ sự nỗ lực hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản sạch của Dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương tại huyện Triệu Phong. Cán bộ, nhân viên dự án đã tích cực giới thiệu các nông sản sạch đến các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh; đưa sản phẩm đến những hội chợ lớn; khai trương cửa hàng nông sản sạch Triệu Phong; ký gửi sản phẩm tại nhiều cửa hàng, điểm cung ứng…Đáng mừng là các sản phẩm này ngày càng được nhiều người tiêu dùng tin chọn. Mới đây, Dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương tổ chức hội thảo kết nối tiêu thụ nông sản CTTN. Hội thảo thu hút sự tham gia của khá đông khách hàng, trong đó có nhiều doanh nghiệp đến từ các tỉnh, thành lớn như: Chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Bác Tôm (Hà Nội), Trung tâm Phân phối gạo Phương Sơn (TP. Hồ Chí Minh), Cửa hàng thực phẩm sạch An Phú (Đà Nẵng)… Tại hội thảo, các đại biểu được giới thiệu về các sản phẩm nông sản sạch CTTN chủ lực của Dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương tại huyện Triệu Phong; những đặc tính ưu việt; quy trình kỹ thuật liên quan đến chất lượng nông sản; các kênh tiêu thụ hiện có… Cùng với đó, khách hàng có cơ hội trải nghiệm thực tế, trực tiếp trao đổi, thảo luận với đại diện nhóm sản xuất và chia sẻ cảm nhận sau khi sử dụng nông sản sạch CTTN. Một số doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài tỉnh cũng tích cực tham gia ý kiến, đóng góp cho Dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương tại huyện Triệu Phong và nông dân tham gia dự án cần chú trọng hơn nữa đến mẫu mã; hướng đến đối tượng khách hàng cao cấp, người tiêu dùng thông thái; làm tốt khâu quảng bá, giới thiệu sản phẩm… Ông Đào Văn Đức, Trưởng Dự án KOICA - Tầm nhìn Thế giới huyện Triệu Phong cho biết: “Sau hội thảo, chúng tôi đã nhận được thêm nhiều đơn đặt hàng. Điều quan trọng là cán bộ, nhân viên dự án cũng như người dân địa phương đã rút ra được khá nhiều kinh nghiệm và có những ý tưởng mới trong sản xuất”.
Hiện nay, vấn đề kết nối tiêu thụ nông sản sạch đang nhận được sự quan tâm từ các cấp chính quyền và người dân huyện Triệu Phong. Nhận thấy lợi ích từ việc sản xuất nông sản sạch, hiện nay ngày càng có nhiều nông dân trên địa bàn huyện triển khai phương thức CTTN. Vừa qua, lãnh đạo huyện Triệu Phong đã đưa chỉ tiêu phát triển nông sản sạch vào định hướng phát triển kinh tế địa phương. Theo đó từ nay đến năm 2020, huyện sẽ tập trung mở rộng diện tích trồng trọt, chăn nuôi theo phương thức CTTN. Riêng diện tích lúa canh tác theo phương thức CTTN phải đạt 150 - 200 ha. Sự đồng thuận của lãnh đạo và người dân địa phương cộng với nỗ lực của cán bộ, nhân viên Dự án Phát triển chuỗi giá trị địa phương tại huyện Triệu Phong hứa hẹn sẽ giúp các sản phẩm nông sản sạch có hướng phát triển hiệu quả và bền vững.
|