Theo đó, mục tiêu chung là triển khai các giải pháp, hoạt động hỗ trợ phát triển lĩnh vực TMĐT của tỉnh, đưa TMĐT trở thành hoạt động được sử dụng, ứng dụng phổ biến trong các cơ quan quản lý nhà nước và đại bộ phận các doanh nghiệp trong tỉnh; góp phần nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và năng lực cạnh của tỉnh; thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa, phù hợp với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025
Về hạ tầng TMĐT: Triển khai, từng bước hoàn thiện hạ tầng pháp lý TMĐT, theo kịp thực tiễn phát triển của các mô hình và hoạt động TMĐT khác nhau trong xã hội; Tham gia xây dựng và phát triển các tiện ích thanh toán trực tuyến để sử dụng rộng rãi cho các mô hình TMĐT, đặc biệt là loại hình TMĐT doanh nghiệp – người tiêu dùng (B2C), doanh nghiệp – doanh nghiệp (B2B), chính phủ - người dân (G2C), chính phủ - doanh nghiệp (G2B); Xây dựng và phát triển nguồn nhân lực TMĐT đáp ứng nhu cầu của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và tổ chức xã hội.
Về quy mô thị trường TMĐT: Phấn đấu có khoảng 45% dân số tham gia mua sắm trực tuyến, với giá trị hàng hóa giao dịch trên môi trường trực tuyến đạt 100USD/người/năm vào năm 2025; Doanh số TMĐT B2C tăng 20% năm, chiếm khoảng 10% so với mức bán lẻ hành hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của tỉnh đến năm 2025; Khuyến khích phát triển TMĐT xuyên biên giới, gắn TMĐT với các hoạt động xuất khẩu.
Về ứng dụng TMĐT trong doanh nghiệp: 70% website TMĐT của doanh nghiệp có chức năng đặt hàng trực tuyến; 30-40% doanh nghiệp nhỏ và vừa, các HTX, hộ kinh doanh cá thể có hoạt động kinh doanh trên các sàn TMĐT, bao gồm các mạng xã hội có chức năng sàn giao dịch TMĐT; 30% doanh nghiệp tham gia hoạt động TMĐT trên các ứng dụng di động; 100% các đơn vị cung cấp điện, nước, viễn thông, truyền hình chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt và cung cấp hóa đơn điện tử cho người tiêu dùng; Khuyến khích hình thành các doanh nghiệp khởi nghiệp về TMĐT, các cá nhân tổ chức phát triển các giải pháp về TMĐT.
Phát triển nguồn nhân lực về TMĐT: 100% cán bộ quản lý nhà nước về TMĐT được đào tạo và tập huấn về pháp lý, kỹ năng TMĐT trong thời kỳ mới; Phấn đấu 50% các doanh nghiệp, HTX, các hộ kinh doanh cá thể được tham gia các khóa tập huấn, đào tạo về kỹ năng TMĐT.
Để triển khai thực hiện các mục tiêu nêu trên, Kế hoạch đã đưa ra 09 nhiệm vụ và giải pháp bao gồm: 1. Triển khai pháp luật về TMĐT; 2.Các giải pháp xây dựng thị trường và nâng cao lòng tin người tiêu dùng trong TMĐT; 3. Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực TMĐT; 4. Phát triển và ứng dụng công nghệ, dịch vụ TMĐT; 5. Củng cố tổ chức, nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý nhà nước về TMĐT; 6. Duy trì, phát triển hạ tầng và tham gia các hoạt động về TMĐT; 7. Triển khai các sản phẩm, giải pháp TMĐT; 8. Hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ứng dụng TMĐT; 9. Hợp tác quốc tế.
Sở Khoa học và Công nghệ được giao nhiệm vụ phối hợp với các Sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai có hiệu quả Quyết định số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2020 của Thủ tường Chính phủ phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc. Tư vấn, hướng dẫn các doanh nghiệp đăng ký sử dụng mã số, mã vạch truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm, hàng hóa; áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất, chất lượng gắn với nền tảng sẵn sáng cho sản xuất thông minh, dịch vụ thông minh. Cung cấp các thông tin sản phẩm, hàng hóa của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã được cấp mã số, mã vạch và đang còn hiệu lực tham gia vào các hoạt động TMĐT./.
|