Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội. Xây dựng chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2025 thành phố Đông Hà và thị xã Quảng Trị đáp ứng các tiêu chí cơ bản của đô thị thông minh, tập trung ưu tiên các lĩnh vực trọng yếu như: Y tế, giáo dục, du lịch, giao thông, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, chính quyền điện tử, Internet băng thông rộng phủ 100% đến các xã; Phấn đấu kinh tế số chiếm khoảng 20% tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP). Đến năm 2030 phủ sóng mạng di động 5G, mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp. Hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử; triển khai đồng bộ hệ thống các dịch vụ thiết yếu thông minh để phục vụ người dân như: Điện, nước, ngân hàng, thương mại, điện tử, du lịch, môi trường, quy hoạch và nhà ở độ thị… thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu lớn của đô thị thông minh; các đô thị lớn trên địa bàn tỉnh đạt hoặc tiệm cận các tiêu chí đô thị thông minh. Kinh tế số chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm (GRDP) trong tỉnh. Tầm nhìn đến năm 2045, xây dựng tỉnh Quảng Trị thành tỉnh có trình độ, công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động đạt mức khá của cả nước.
Để đạt được các mục tiêu đề ra, Kế hoạch đã đưa ra 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể:
1. Đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
2. Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước phù hợp với thực tiễn của tỉnh để hoàn thiện cơ chế, chính sách, chủ động tham gia chuyển đổi số và cuộc CMCN 4.0.
3. Phát triển cơ sở hạ tầng thông tin thiết yếu hiện đại, đồng bộ.
4. Triển khai mạnh mẽ các chính sách phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo.
5. Triển khai thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực.
6. Phát triển các ngành và công nghệ ưu tiên.
7. Chính sách hợp tác, hội nhập quốc tế.
8. Chính sách thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội.
Nhiệm vụ của Sở Khoa học và Công nghệ
Đối với nhiệm vụ, giải pháp cụ thể hóa chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước phù hợp với thực tiễn của tỉnh để hoàn thiện cơ chế, chính sách, chủ động tham gia chuyển đổi số và cuộc CMCN 4.0, tham mưu các chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích, huy động mọi nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, đổi mới sáng tạo. Hướng dẫn cho doanh nghiệp nhà nước thực hiện đầu tư nhiên cứu phát triển công nghệ, đầu tư mạo hiểm, đầu tư vào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; - Tham mưu, triển khai tốt các chương trình hỗ trợ về sở hữu trí tuệ, bảo hộ và khai thác hiệu quả, hợp lý các tài sản trí tuệ trên địa bàn tỉnh; khuyến khích thương mại hóa và chuyển giao công nghệ, quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là đối với các sáng chế tại tỉnh trên cơ sở tuân thủ pháp luật trong nước và đảm bảo lợi ích an ninh quốc gia.
Đổi với nhiệm vụ, giải pháp phát triển cơ sở hạ tầng thông tin thiết yếu hiện đại, đồng bộ, chú trọng phát triển các doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Khuyến khích thành lập các tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ dựa trên nền tảng số, Internet và không gian mạng; - Xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng công nghệ số phục vụ chuyển đổi số và kinh tế số, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu tiên, khuyến khích nghiên cứu khoa học trên lĩnh vực công nghệ thông tin, an ninh mạng, an toàn thông tin.
Đối với nhiệm vụ, giải pháp triển khai mạnh mẽ các chính sách phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai Kế hoạch số 3690/KH-UBND ngày 14/8/2019 của UBND tỉnh về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đến năm 2025. Tham mưu xây dựng và phát triển trung tâm đổi mới sáng tạo cấp tỉnh, tập trung và các công nghệ chủ chốt của cuộc CMCN 4.0;- Phát triển hệ thống đổi mới sáng tạo theo hướng lấy doanh nghiệp làm trung tâm, các cơ sở giáo dục đại học và viện nghiên cứu là chủ thể nghiên cứu; - Nghiên cứu, xây dựng, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc biệt, có tính đột phá đối với việc xây dựng và vận hành các trung tâm đổi mới sáng tạo. Khuyến khích các trường đại học, doanh nghiệp, tổ chức trong nước và nước ngoài thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo; - Xây dựng và triển khai các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu và ứng dụng công nghệ. Rà soát, tham mưu triển khai các quy định về lập và sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, tạo sự chủ động và thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp trong sử dụng quỹ cho chuyển giao công nghệ, nghiên cứu phát triển; - Tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư đổi mới công nghệ, xây dựng và triển khai thực hiện tốt chương trình hỗ trợ, tạo lập và phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2021-2025, chương trình ứng dụng chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất và đời sống giai đoạn 2021-2025, chương trình hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, mã số mã vạch sản phẩm…, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; - Nghiên cứu, đề xuất đặt hàng, giao trực tiếp các nghiên cứu khoa học trên lĩnh vực công nghệ thông tin, an ninh mạng, an toàn thông tin; phối hợp triển khai các chính sách ưu đãi, trọng dụng và tạo điều kiện cho các nhà khoa học, các chuyên gia giỏi trên lĩnh vực công nghệ thông tin, an ninh mạng, an toàn thông tin nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm phục vụ đất nước.
Đối với nhiệm vụ, giải pháp triển khai thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực, phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh về các công nghệ chủ chốt của cuộc CMCN 4.0; - Chủ trì, phối hợp với Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh xây dựng và phát triển các mạng lưới trí thức, nhân tài về các công nghệ chủ chốt của CMCN 4.0. Tiếp tục phối hợp tham mưu cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hơn để huy động trí thức, nhà khoa học trên địa bàn tỉnh trong việc đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ mới.
Đối với nhiệm vụ, giải pháp phát triển các ngành và công nghệ ưu tiên, tập trung phát triển các công nghệ ưu tiên có khả năng ứng dụng vào thực tiễn để phát triển các sản phẩm cụ thể, phù hợp với lợi thế cạnh tranh của địa phương, trong từng ngành và các công nghệ chiến lược, nền tảng của CMCN 4.0, có tác động lan tỏa đến các ngành, lĩnh vực khác, trọng tâm là: công nghệ thông tin và truyền thông, cơ điện tử; công nghệ mới trong lĩnh vực năng lượng; trí tuệ nhân tạo và tự động hóa; công nghệ sinh học, điện y sinh.
Đối với nhiệm vụ, giải pháp chính sách hợp tác, hội nhập quốc tế, chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hợp tác quốc tế về khoa học và công nghệ; đổi mới sáng tạo với các nước có trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến, đang đi đầu trong cuộc CMCN 4.0. Tích cực nghiên cứu, tìm hiểu các công nghệ nền tảng, phân tích dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ chuỗi khối (Blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), hệ sinh thái IoT,… từ các tập đoàn CNTT, viễn thông lớn trong và ngoài nước để chuyển giao, ứng dụng cho tỉnh./.
|