Bên cạnh việc khẳng định các nguyên tắc cơ bản quan trọng của Hiệp định về các khía cạnh liên quan thương mại của quyền SHTT (TRIPS), Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA đặt ra yêu cầu cao về minh bạch hóa các chính sách, về các yêu cầu bảo hộ đối với các đối tượng sở hữu công nghiệp cũng như về thực thi quyền SHTT. Các cam kết trong hai hiệp định này đòi hỏi Việt Nam phải sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật hiện hành về sở hữu công nghiệp. Việc sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật SHTT cho tương thích với các quy định trong Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA là cần thiết để bảo đảm tính thống nhất, hiệu quả, hiệu lực của hệ thống pháp luật Việt Nam và thể hiện tinh thần chủ động, nghiêm túc thực hiện các điều ước quốc tế của Việt Nam.
Hiệp định CPTPP bắt đầu có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14-1-2019. Theo Mục 2, Phụ lục 3, Nghị quyết số 72/2018/QH14 của Quốc hội, Luật SHTT phải được sửa đổi để thực hiện một số nghĩa vụ về SHTT trong Hiệp định CPTPP. Trong đó, một số nghĩa vụ cần thực hiện ngay từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực đã được nội luật hóa tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ (Luật số 42/2019/QH14 ngày 14-6-2019) và một số nghĩa vụ có thời gian chuyển tiếp là 3 hoặc 5 năm. Việt Nam sẽ bắt đầu phải thi hành từ năm 2022. Các nghĩa vụ này chưa được quy định trong Luật SHTT hoặc có quy định nhưng chưa được rõ ràng, cụ thể.
Một trong số đó là vấn đề bảo hộ nhãn hiệu âm thanh. Hiện nay, Luật SHTT quy định chỉ bảo hộ “dấu hiệu nhìn thấy được” đối với các đối tượng được đăng ký làm nhãn hiệu. Do đó, để đáp ứng nghĩa vụ, Luật SHTT sẽ phải sửa đổi quy định để cho phép dấu hiệu âm thanh cũng có thể đăng ký nhãn hiệu. Hay như đối với cơ chế bảo hộ dữ liệu thử nghiệm nông hóa phẩm, Hiệp định CPTPP yêu cầu phải dành cơ chế độc quyền dữ liệu thay vì chỉ bảo mật dữ liệu hiện tại, và thời gian độc quyền là 10 năm tính từ ngày cấp phép lưu hành thay vì chỉ 5 năm như hiện tại. Mặc dù nghĩa vụ này có thời gian chuyển tiếp 5 năm (đến 2024 mới phải thi hành), cộng thêm 5 năm ân hạn không kiện tụng, nhưng cũng cần phải nghiên cứu sửa đổi Luật SHTT sao cho vừa đáp ứng nghĩa vụ của Hiệp định CPTPP, nhưng cũng không tạo gánh nặng quá mức đối với việc thi hành nghĩa vụ này.
Hiệp định EVFTA được ký ngày 30-6-2019 và đã được Hội đồng châu Âu chính thức thông qua ngày 30-3-2020. Hiện, hồ sơ phê chuẩn Hiệp định đang trong quá trình chuẩn bị để trình Quốc hội. Mặc dù chưa xác định được thời hạn hiệu lực, nhưng các nghĩa vụ liên quan lĩnh vực SHTT phải thi hành trong Hiệp định EVFTA cũng đã được đặt ra để sửa đổi Luật SHTT. Cụ thể như việc bảo hộ các chỉ dẫn địa lý theo Hiệp định; thẩm quyền phê duyệt bản mô tả tính chất đặc thù của chỉ dẫn địa lý; sửa đổi quy định về việc ghi nhận các tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý; làm rõ nguyên tắc bảo hộ kiểu dáng là bộ phận của sản phẩm phức hợp; cơ chế đền bù cho việc giảm thời hạn bảo hộ hữu hiệu của bằng sáng chế do sự chậm trễ bất hợp lý trong việc cấp phép lưu hành thị trường...
Để tiến tới thực thi các cam kết về SHTT trong hai hiệp định nói trên trong thời gian tới, đòi hỏi Việt Nam phải nỗ lực trong việc chuẩn bị hành lang pháp lý (sửa đổi Luật SHTT và các văn bản pháp luật có liên quan), đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực. Đó là việc đầu tư kinh phí cho việc duy trì hệ thống cho phép đăng ký nhãn hiệu âm thanh và bảo đảm thực thi quyền đối với nhãn hiệu âm thanh; hay xây dựng cơ chế để đền bù cho việc chậm trễ trong xử lý đơn đăng ký lưu hành thuốc liên quan đến sáng chế. Còn đối với các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu quyền SHTT, dù là của Việt Nam hay nước ngoài, với một chế độ bảo hộ quyền SHTT cao, bên cạnh những thách thức nhất định, sẽ là cơ hội thỏa đáng hơn từ khâu khai thác, sáng tạo, bảo hộ cho đến thực thi quyền SHTT.
|