Ngành Nông nghiệp cùng với ngành KH&CN đã tham mưu cho Tỉnh ủy, HĐND tỉnh, UBND tỉnh ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích ứng dụng, nhân rộng các quy trình kỹ thuật mới, giống mới vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng giá trị nông sản, tiêu biểu như: Nghị quyết số 03/NQ-HĐND ngày 23/5/2017 về hỗ trợ phát triển một số cây trồng, con nuôi tạo sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết số 31/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về chính sách hỗ trợ, ứng dụng nhân rộng các kết quả khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2017 - 2025; Nghị quyết số 02/2019/NQ-HĐND ngày 20/7/2019 của HĐND về khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ, khuyến khích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030... Các chính sách trên đã thực sự đi vào cuộc sống cùng với các chương trình dự án như hỗ trợ nhân rộng thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu, các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, các Đề án/ Dự án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận, ứng dụng nhiều giống cây trồng, con nuôi mới, quy trình sản xuất mới vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế trên diện rộng, điển hình như:
Trên lĩnh vực trồng trọt: Giống cây trồng được xác định là khâu đột phá trong việc nâng cao năng suất và chất lượng cây trồng trên địa bàn tỉnh. Những năm qua, thông qua nguồn vốn của các chương trình sự nghiệp nông nghiệp, sự nghiệp khoa học và các chương trình dự án khác trên địa bàn, ngành nông nghiệp và PTNT đã liên tục khảo nghiệm và tìm chọn được nhiều giống cây trồng mới để bổ sung vào sản xuất với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của người sản xuất. Nhiều giống cây trồng mới như: Giống lúa (Thiên ưu 8, HN6, Bắc thơm 7, Đài thơm 8, TBR279, Bắc Hương 9, Lộc Trời 1, 2; Sơn lâm 1…), giống ngô (HN88, HN68, MX10, CP888, CP333); Giống chuối Úc, giống dứa Queen, giống Chanh leo Đài Nông 1, giống Mắc ca, Sachainchi, giống Cam Vân du, Cam Valencia 2, Quýt PQ1, Bưởi da xanh, Bưởi diễn, Bưởi tiến vua, Giống ổi đài loan, Ổi không hạt, Ổi tím,... đã được khảo nghiệm và cơ cấu bổ sung vào bộ giống chủ lực của tỉnh, đã nâng cao năng suất và chất lượng, giá trị của nông sản lên gấp 1,5 - 2 lần so với trước đây. Tỷ lệ sử dụng giống đảm bảo phẩm cấp, giống xác nhận năm 20119 đạt trên 90%, tăng 20% so với năm 2013. Nhiều giống cây trồng được nhập nội và khẳng định có hiệu quả trên vùng đất tỉnh Quảng Trị.
Bên cạnh giống mới, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới cũng được chuyển giao ứng dụng trên diện rộng. Điển hình như: Quy trình sản xuất nông nghiệp thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu trên cây lúa, rau, màu, hồ tiêu được hoàn thiện và ứng dụng trên diện tích hơn 10.000 ha; quy trình quản lý dinh dưỡng tổng hợp (ICM); quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) được phổ biến rộng khắp; quy trình nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên được ứng dụng hàng năm trên 600 ha; các mô hình/dự án nông nghiệp công nghệ cao ứng dụng công nghệ thủy canh, giá thể trên các loại cây trồng mới như: dưa lưới, xà lách, cà chua, dâu tây… được thử nghiệm thành công và nhân rộng với quy mô ngày càng lớn. Những tiến bộ kỹ thuật này đã tác động đến sản xuất, giúp hạn chế phân hóa học và thuốc BVTV sử dụng trên đồng ruộng, đưa người nông dân đến gần hơn với phương thức canh tác thân thiện với môi trường, từ đó giúp nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường và sức khỏe của người nông dân.
Trên lĩnh vực chăn nuôi: Nhiều giống gia súc, gia cầm mới được nghiên cứu, khảo nghiệm và sử dụng vào sản xuất. Các giống lợn ngoại năng suất chất lượng cao như: Yorshire, Landrace, Duroc, Pietran, Pi-Du và tổ hợp lai 2 máu, 3 máu của các giống, đã góp phần nâng cao chất lượng đàn giống, mang lại năng suất, hiệu quả cao trong chăn nuôi lợn. Các giống lợn thịt năng suất, chất lượng cao như: Yorkshire, Landrace, Duroc, Pietran; Pi-Du, Du-Pi; Pi-Lan-Du, York-Land, Land-York; Du-Land và các tổ hợp lai nhiều máu ngoại được sử dụng ngày càng rộng rãi trong sản xuất chăn nuôi lợn thịt góp phần rút ngắn thời gian nuôi, nâng cao chất lượng thịt, tăng nhanh sản lượng thịt hơi xuất chuồng, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi lợn.
Chương trình cải tạo đàn bò vàng địa phương được tỉnh tiếp tục quan tâm chú trọng thông qua chính sách hỗ trợ thực hiện tốt công tác thụ tinh nhân tạo bò. Việc lựa chọn, sử dụng tinh của nhóm bò Zebu trong việc cải tạo đàn bò vàng địa phương là hết sức quan trọng, tạo nên sự thành công của chương trình; đến nay tỷ lệ đàn bò lai Zebu toàn tỉnh chiếm trên 54,8% tổng đàn. Một số địa phương đã mạnh dạn thí điểm nhập và phối giống bằng các loại tinh bò thịt chất lượng cao như: BBB, Charolais, Droughtmaster. Bên cạnh đó, nhận thức của người chăn nuôi đã có nhiều chuyển biến tích cực; phương thức, tập quán chăn nuôi đã có sự thay đổi đáng kể, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật đã được áp dụng; các mô hình nuôi bò nhốt, vỗ béo và quy hoạch trồng cỏ nuôi bò thâm canh đã được nhân rộng tại các huyện như: Vĩnh Linh, Hải Lăng, Triệu Phong, Hướng Hóa... đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Chất lượng giống ngày càng được cải thiện, giống gà chủ yếu là gà ri địa phương; gà Lương Phượng hoặc Lương Phượng lai với gà địa phương. Một số nơi trong nông hộ có giống gà lai Kabir, Ai Cập lai… Những năm gần đây, người chăn nuôi còn nhập nuôi một số giống vịt thịt SuperM, Vịt biển. Giống ngan đang lưu hành chủ yếu là giống ngan địa phương (vịt xiêm), các giống ngan Pháp và con lai của chúng với giống địa phương. Giai đoạn 2016-2019, bên cạnh nhập các giống gia cầm chất lượng từ các tỉnh phía Bắc (Trung tâm nghiên cứu gia cầm Thụy Phương, Trung tâm giống vịt Đại Xuyên, Nam Định,...) và một số tỉnh Nam Trung bộ (Bình Định, Phú Yên). Được sự hỗ trợ của USAID, FAO, Cục Chăn nuôi, các cơ sở ấp nở gia cầm trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ nâng cao cơ sở hạ tầng, thiết bị, máy móc ấp nở, tập huấn kỹ thuật góp phần nâng cao chất lượng giống gia cầm sản xuất tại địa phương, đặc biệt là chất lượng giống vịt.
Công tác áp dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao được quan tâm, khuyến khích, thúc đẩy; các mô hình chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như: chuồng kín, tự động hóa các khâu thức ăn, nước uống, tiêu độc khử trùng… được áp dụng khá rộng rải. Các giải pháp áp dụng xử lý chất thải chăn nuôi như: Biogas, đệm lót sinh học ngày càng được nhân rộng góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả kinh tế và đảm bảo vệ sinh, an toàn dịch bệnh.
Trên lĩnh vực thủy sản: Công tác quản lý nuôi trồng, sản xuất giống thủy sản trên địa bàn tỉnh có những bước phát triển nhanh, năng suất được nâng cao, nghề nuôi tôm trở thành nghề sản xuất hàng hóa có giá trị cao góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, nhiều người đã làm giàu từ nghề nuôi tôm. Công tác chuyển giao khoa học và công nghệ cho nông dân luôn được quan tâm, đã triển khai xây dựng các mô hình sản xuất có hiệu quả như: Du nhập các nghề khai thác năng suất cao, nâng cao hiệu quả sản phẩm và giảm tổn thất sau thu hoạch cho ngư dân, nuôi thủy sản ứng dụng chế phẩm sinh học và sạch bệnh; tiếp tục nhân rộng các mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, nuôi hai giai đoạn nhằm giám sát bảo vệ môi trường và nâng cao năng suất sản lượng. Diện tích nuôi trồng cả năm 2019 đạt 3.450 ha, bằng 101,1% so với cùng kỳ năm trước và bằng 100,8% so với kế hoạch. Sản lượng nuôi trồng thuỷ sản: Sản lượng năm 2019 đạt 8.667 tấn, tăng 8,01% so với cùng kỳ 2018, bằng 101,9% so với kế hoạch. Nuôi trồng thủy sản đang phát triển theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, bền vững, an toàn dịch bệnh đã mang lại hiệu quả cao về kinh tế.
Trên lĩnh vực Lâm nghiệp: Với mục tiêu phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm từ rừng sản xuất. Từ năm 2014 đến nay, được sự hỗ trợ của Tổng cục Lâm nghiệp, ngành Lâm nghiệp tỉnh Quảng Trị đã xây dựng thành công 02 mô hình khuyến lâm trồng rừng thâm canh gỗ lớn và mô hình chuyển hóa rừng gỗ nhỏ sang rừng gỗ lớn. Năng suất rừng tăng lên vượt bậc, từ mức 40 - 50m3/ha/chu kỳ giai đoạn trước năm 2010, nay đã tăng lên 90 - 100m3/ha/chu kỳ nhờ vào việc chú trọng đến nguồn gốc, chất lượng giống và áp dụng kỹ thuật canh tác tiến bộ. Với diện tích rừng trồng sản xuất hiện có và năng suất ngày một nâng cao sẽ cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ (sản lượng khai thác khoảng 800.000m3/năm - 950.000m3/năm) cho các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định.
Ngành Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo, khuyến khích các địa phương, chủ rừng chuyển đổi dần phương thức trồng rừng từ cung cấp nguyên liệu dăm gỗ sang kinh doanh gỗ lớn, với chu kỳ trên 10 năm, để nâng cao tỷ lệ gỗ xẻ có đường kính ≥ 15 cm, đạt 50 - 60%/ha, cung cấp nguyên liêu gỗ cho chế biến xuất khẩu, hạn chế trồng rừng kinh doanh nguyên liệu dăm và có quy hoạch quản lý chặt chẽ các cơ sở chế biến dăm gỗ trên địa bàn tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 23.400 ha đã được cấp chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC. Chuyển đổi sang mô hình kinh doanh gỗ xẻ có chứng chỉ FSC™ đã nâng cao giá trị thu nhập bình quân khoảng 15 - 20 triệu/ha/năm. Ngoài ra, thông qua áp dụng các nguyên tắc về quản lý rừng bền vững, các chủ rừng đã góp phần vào hạn chế những tác động môi trường như: xói mòn, rửa trôi đất, bảo vệ các loài động thực vật, tạo cơ hội việc làm cho lao động địa phương cũng như tăng cường trách nhiệm và an toàn trong lao động và sử dụng lao động.
Trên lĩnh vực thủy lợi: Nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, việc nâng cấp hệ thống đê được quan tâm đầu tư đúng mức đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt, ngăn lũ tiểu mãn, lũ sớm cho hơn 13.500 ha đất sản xuất, chống cát bay, cát lấp, tách cát, phân thủy bảo vệ 69.203 người dân sống vùng ven biển, vùng cửa sông và vùng ven sông. Đồng thời, cùng với việc đảm bảo các yêu cầu bảo vệ như trên thì các tuyến đê sau khi được đầu tư xây dựng hoàn thành đã hình thành các tuyến giao thông huyết mạch, liên thôn, liên xã, phục vụ nhu cầu dân sinh, phát triển sản xuất, ứng cứu trong mùa lụt bão, vì vậy đã góp phần cải thiện đáng kể diện mạo nông thôn các địa phương dọc các tuyến đê. Đặc biệt về mặt môi sinh, môi trường; phát triển văn hóa, giáo dục, mở rộng ngành nghề, cải tạo các vùng đất hoang hóa ven đê; tạo điều kiện ứng dụng khoa học kỹ thuật, các mô hình sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, qua đó góp phần ổn định đời sống dân cư, đảm bảo an ninh lương thực, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng nông thôn. Đẩy mạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào công tác tưới tiêu, xây dựng được các mô hình tưới tiết kiệm, tưới thông minh, tưới cho cây trồng cạn. Các công trình thủy lợi được đầu tư sau khi hoàn thành đã góp phần nâng cao năng lực phục vụ sản xuất, tạo điều kiện xây dựng cánh đồng mẫu lớn, góp phần phát triển sản xuất, mở rộng nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm, mặt khác góp cải thiện điều kiện vận chuyển giao lưu hàng hoá, hỗ trợ công tác cứu hộ cứu nạn trong phòng chống và giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai cũng như xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp và PTNT xác định 4 trụ cột chính để tập trung đẩy mạnh phát triển đó là: Doanh nghiệp - Khoa học công nghệ - Nông dân - Thị trường. Trong đó, Doanh nghiệp đóng vai trò quyết định trong cả chuỗi giá trị từ sản xuất - công nghệ - thị trường. Vì vậy, ngành đã tích cực tìm kiếm, mời gọi các Nhà đầu tư trên lĩnh vực nông nghiệp vào liên kết với nông dân theo chuỗi giá trị. Giai đoạn 2016 - 2019, đã xây dựng thành công thương hiệu Gạo hữu cơ Quảng Trị (liên kết với Công ty TNHH Đại Nam, Công ty Cổ phần nông sản hữu cơ Quảng Trị), xây dựng thành công các Quy trình sản xuất dưa lưới theo công nghệ Nhật Bản (liên kết với Tập Đoàn sumitomo); thành công liên kết sản xuất hồ tiêu đạt chứng nhận hữu cơ ECC của Châu Âu (Liên kết với Công ty TNHH Organic More); xây dựng thành công các quy trình sản xuất cam hữu cơ... Các liên kết này đã giúp hoàn thiện và chuyển giao các quy trình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao vào sản xuất nhanh và bền vững, giúp ổn định đầu ra nông sản, bảo vệ môi trường sinh thái.
Bên cạnh những kết quả đạt được, ứng dụng KHCN vào sản xuất vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế đó là: Việc ứng dụng công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong bảo quản, chế biến các sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh (cây ăn quả, dược liệu, lúa gạo, cà phê, hồ tiêu...) còn rất hạn chế; trên địa bàn tỉnh chưa có Doanh nghiệp được công nhận Doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao; các kết quả của các Đề tài nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp chậm được ứng dụng và nhân rộng vào thực tiễn sản xuất; Việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo trong nông nghiệp còn thấp, chưa huy động được nguồn lực của xã hội.
Để tiếp tục phát huy vai trò nồng cốt, đột phá của Khoa học công nghệ vào tái cơ cấu ngành nông nghiệp, trong thời gian tới cần tập trung vào một số giải pháp trọng tâm sau:
Thứ nhất, cần đổi mới cách tiếp cận đối với việc ứng dụng và chuyển giao thành tựu KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp theo hướng lấy Doanh nghiệp là nồng cốt, là trung tâm để giải quyết các vấn đề liên quan đến vốn, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ; Hợp tác xã/Tổ hợp tác là đóng vai trò tập hợp, khâu nối, hợp tác, liên kết tổ chức sản xuất trên quy mô lớn, người nông dân là chủ thể của sản xuất gắn với HTX và Doanh nghiệp. Tiếp nhận, chuyển giao và ứng dụng KHCN thông qua Doanh nghiệp là con đường ngắn nhất và nhanh nhất để đưa KHCN thực sự trở thành động lực cho sản xuất nông nghiệp, kết nối sản xuất với thị trường tiêu thụ.
Thứ hai, cần có chính sách khuyến khích nhân rộng các mô hình nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao KH&CN theo chuỗi giá trị. Đổi mới tư duy về các hoạt động KH&CN phục vụ nông nghiệp, nông thôn theo hướng từ sản xuất nông hộ nhỏ lẻ sang sản xuất, kinh doanh tập trung quy mô lớn gắn với tín hiệu thị trường trong nước và quốc tế. Tăng cường cơ chế chính sách hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao và tổ chức lại sản xuất theo hướng thị trường để tăng thu nhập cho nông dân.
Thứ ba, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, nhất là ưu tiên ứng dụng giống mới, giống lai, giống nuôi cấy mô vào sản xuất; chọn lọc bảo tồn nguồn gen dược liệu, cây trồng bản địa tại địa phương; ứng dụng chế phẩm sinh học, thảo dược, các loại phân bón hữu cơ, vi sinh vào sản xuất trên diện rộng.
Thứ tư, tiếp tục nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện các quy trình sản xuất theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, các quy trình công nghệ, thiết bị kỹ thuật cho sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phù hợp với điều kiện sản xuất của tỉnh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, tăng hiệu quả kinh tế và an toàn với môi trường.
Thứ năm, tiếp tục nghiên cứu ứng dụng công nghệ mới trong tưới, tiêu cho các loại cây trồng chủ lực; nghiên cứu phát triển hệ thống thủy lợi phù hợp với phát triển hạ tầng nông thôn, phục vụ mục tiêu xây dựng, phát triển nông thôn mới, các giải pháp cấp nước ngọt cho các vùng khan hiếm nước.
Thứ sáu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo quản hàng nông sản, thực phẩm chủ lực. Chú trọng các công nghệ, thiết bị chế biến sâu (gỗ rừng trồng, gạo hữu cơ, cao su, cà phê), công nghệ, thiết bị sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe từ thảo dược, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng cho sản xuất nông nghiệp.
Có thể khẳng định, khoa học và công nghệ được ứng dụng trong nông nghiệp đã tạo ra hiệu quả lớn, góp phần đáng kể làm tăng năng suất và chất lượng nông sản trong những năm qua. Với quyết tâm cao từ Chính phủ, các Bộ ngành trung ương chúng ta tin tưởng rằng trong thời gian tới, việc cơ cấu lại ngành Khoa học và Công nghệ cùng với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp sẽ tạo ra động lực mới cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn tiếp tục bứt phá, phát triển, vừa đảm bảo thực hiện tốt vai trò đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội, vừa trở thành khu vực trọng tâm thu hút đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo và huy động nguồn lực xã hội để đưa Quảng Trị phát triển bền vững./.
Nguyễn Hồng Phương
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
|