Mục tiêu cụ thể
Đến năm 2025: Cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt nam, các tổ chức chính trị - xã hội. Xây dựng chính quyền điện tử, phát triển đô thị thông minh trên địa bàn tỉnh, phấn đấu đến năm 2025 thành phố Đông Hà và thị xã Quảng Trị cơ bản đáp ứng các tiêu chí đô thị thông minh, tập trung ưu tiên các lĩnh vực trọng yếu như: Y tế, giáo dục, du lịch, giao thông, tài nguyên và môi trường, nông nghiệp và phát triển nông thôn, chính quyền điện tử, Internet băng thông tộng phủ 100% đến các xã. Phấn đấu kinh tế số chiếm khoảng 20% tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP).
Đến năm 2030: Phủ sóng mạng di động 5G, mọi người dân được truy cập Internet băng thông rộng với chi phí thấp. Hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử, triển khai đồng bộ hệ thống các dịch vụ thiết yếu thông minh để phục vụ người dân như: Điện, nước, ngân hàng, thương mại, điện tử, du lịch, môi trường, quy hoạch và nhà ở đô thị… thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu lớn của đô thị thông minh. Các đô thị lớn trên địa bàn tỉnh đạt hoặc tiệm cận các tiêu chí đô thị thông minh. Kinh tế số chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm (GRDP) trong tỉnh.
Tầm nhìn đến năm 2045: Xây dựng Quảng Trị thành tỉnh có trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực và văng suất lao động đạt mức khá của cả nước.
Kế hoạch đã đề ra 08 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu bao gồm:
1. Đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, phát huy sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
2. Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước phù hợp với thực tiễn của tỉnh để hoàn thiện cơ chế, chính sách, chủ động tham gia chuyển đổi số và cuộc CMCN 4.0.
3. Phát triển cơ sở hạ tầng thông tin thiết yếu hiện đại, đồng bộ.
4. Triển khai mạnh mẽ các chính sách phát triển và nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo.
5. Triển khai thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực.
6. Phát triển các ngành công nghệ ưu tiên.
7. Chính sách hợp tác, hội nhập quốc tế.
8. Thúc đẩy chuyển đổi số trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
Nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về nội hàm, bản chất cuộc CMCN 4.0, xác định chủ động và tích cực tham gia cuộc CMCN 4.0 là yêu cầu tất yếu khách quan; là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đặc biệt quan trọng vừa cấp bách, vừa lâu dài của hệ thống chính trị và toàn xã hội, coi đó là giải pháp đột phá trong hội nhập và phát triển; tránh mọi biểu hiện bàng quan, thiếu tự tin, thụ động nhưng không chủ quan, nóng vội, duy ý chí để tạo sự bứt phát trong phát triển kinh tế - xã hội những năm sắp tới. Đánh giá đúng thực trạng, mức độ chủ động tham gia, thể chế, chính sách, cơ cấu và chất lượng nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật và quá trình chuyển đổi số phục vụ tham gia cuộc CMCN 4.0; từ đó đổi mới tư duy quản lý, xác định mục tiêu, lộ trình, bước đi phù hợp; tranh thủ, phát huy tối đa các nguồn lực, chủ động nắm bắt các cơ hội nhằm nâng cao năng lực tiếp cận, tham gia cuộc CMCN 4.0 phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh./.
|