Sau 3 năm xây dựng, mô hình trang trại tổng hợp của anh Lê Đức Quang Huy ở thôn Lai Bình, xã Vĩnh Chấp đã đem lại nhiều kết quả bất ngờ. Bắt đầu chăn nuôi với quy mô nhỏ lẻ, năm 2018 được sự hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp và sau khi tìm hiểu nhu cầu thị trường cũng như tận dụng các lợi thế sẵn có của vùng gò dồi, anh Huy đã mạnh dạn thực hiện mô hình chăn nuôi trang trại tổng hợp. So với quy mô ban đầu khoảng vài trăm con lợn, gà thì đến nay trang trại của anh Huy được mở rộng phát triển về cả số lượng và chất lượng. Trung bình mỗi lứa trang trại này cung cấp ra thị trường khoảng trên 3.000 con gà và 600 con lợn; đem lại nguồn lợi nhuận từ 250-300 triệu đồng/năm. Anh Huy cho biết: “Chăn nuôi theo hướng trang trại, vốn ban đầu tuy cao nhưng khi đã đi vào ổn định thì sẽ tiết kiệm được nhiều khoản chi phí như thức ăn, con giống; nhất là khi chuồng trại được xây dựng đảm bảo và việc kiểm soát, phòng trừ dịch bệnh trở nên chủ động hơn thì vật nuôi khỏe mạnh, ít bị nhiễm bệnh”. Đặc biệt, nhờ áp dụng đúng các biện pháp kĩ thuật nên chất lượng con nuôi tại trang trại của anh Huy rất đảm bảo và đang dần khẳng định được chỗ đứng trên thị trường; trong đó gà đồi đã xây dựng được thương hiệu riêng.
Là một trong những doanh nghiệp tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi, trang trại chăn nuôi lợn của Công ty TNHH MTV Hùng Dung Quảng Trị không chỉ tạo được uy tín, thương hiệu trong huyện mà còn ở phạm vi ngoài huyện. Phát triển theo hướng chăn nuôi hiện đại, trang trại của Công ty Hùng Dung được xây dựng trên diện tích 3 ha tại thôn Đơn Duệ xã Vĩnh Hòa, kinh phí đầu tư trên 15 tỷ đồng với quy trình khép kín, ứng dụng các công nghệ cao như: hệ thống camera giám sát, hệ thống quạt thông gió, xử lý nước thải bằng công nghệ biogas, sử dụng công nghệ ép phân tươi kết hợp chế phẩm vi sinh và đóng thành viên nén… Có 6 công nhân, 1 kỹ sư chăn nuôi, 2 thú y và 3 lao động phổ thông đang làm việc với nhiệm vụ được phân công rõ ràng, riêng biệt để đảm bảo các quy trình về chất lượng chăn nuôi. Trang trại luôn duy trì đàn lợn gần 3.000 con thương phẩm, 300 lợn nái giống; bình quân mỗi năm xuất chuồng đạt 2.500 con với trọng lượng khoảng 250 tấn và khoảng 4.500 con lợn giống. Chị Nguyễn Thị Anh Đào giám đốc Công ty cho biết, doanh thu trung bình mỗi năm của trang trại đạt gần 5 tỷ đồng, sau khi trừ các khoản chi phí lãi ròng có thể đạt từ 1,5-2 tỷ đồng.
Đây là 2 trong số nhiều trang trại chăn nuôi có quy mô lớn phát triển nhanh trên địa bàn huyện Vĩnh Linh trong những năm gần đây. Hiện nay, số lượng và chất lượng đàn chăn nuôi tại địa phương không ngừng tăng lên, cụ thể tổng đàn trâu có khoảng 4.850 con, bò 13.150 con, đàn lợn 46.500 con và đàn gia cầm trên 700.000 con. Đến năm 2020, toàn huyện có 4 trang trại nuôi bò với quy mô 50 con trở lên; 2 trang trại chăn nuôi lợn có quy mô 500 - 1.000, 3 trang trại có quy mô từ 1.000-2.500 con; 10 trang trại chăn nuôi gà có quy mô từ 5.000-7.000 con, 5 trang trại có quy mô từ 8.000-10.000 con. Đặc biệt, các trang trại này đều đã thực hiện sản xuất theo chuỗi giá trị, liên doanh liên kết với các công ty tiêu bao toàn bộ sản phẩm.
Bà Lê Thị Thúy Kiều - Phó Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Linh cho biết: “Để chăn nuôi chuyển dịch theo hướng tích cực, từ nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung theo hướng trang trại, gia trại, các ngành chức năng đã tích cực vận động người dân chuyển đổi diện tích canh tác kém hiệu quả kinh tế sang phát triển trang trại. Đẩy mạnh áp dụng khoa học - kỹ thuật nhằm tăng chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; xây dựng mô hình liên kết sản xuất giữa các trang trại, HTX,... Tạo điều kiện để người dân tiếp cận với nguồn vốn để đầu tư phát triển chăn nuôi; hỗ trợ về kĩ thuật, đào tạo tập huấn, chuyển giao KHCN và mốc nối với các doanh nghiệp, đơn vị tiêu thụ để tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm”.
Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại tại huyện Vĩnh Linh vẫn gặp phải nhiều khó khăn đó là nhiều hộ dân vẫn chưa tiếp cận được với các nguồn vốn, dự án hỗ trợ theo đúng nhu cầu trong khi để xây dựng một trang trại đầy đủ tiêu chuẩn thì chi phí ban đầu khá cao. Các trang trại chăn nuôi cần diện tích lớn nhưng ngoài các vùng có lợi thế thì các vùng tập trung đông dân cư, diện tích hẹp rất khó để mở rộng quy mô… Hay các yêu tố khách quan như tình hình dịch bệnh trong những năm gần đây diễn biến khá phức tạp và kéo dài, thời tiết khô hạn nên nguồn nước không đảm bảo.
Khắc phục những khó khăn trên đẻ đưa chăn nuôi phát triển theo hướng bền vững, thời gian tới huyện Vĩnh Linh sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ, giúp người dân tiếp cận với các nguồn vốn, dự án chăn nuôi. Khuyến khích đồn điền đổi, thửa để và kêu gọi các nguồn vốn để thực hiện đề án quy hoạch phát triển chăn nuôi xa khu dân cư. Thử nghiệm các loại vật nuôi mới có chất lượng, hiệu quả; hướng các hộ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao. Mở rộng các lớp tập huấn kỹ thuật, chuyển giao KHCN cho người dân. Đồng thời tăng cường việc quản lí về lĩnh vực chăn nuôi, thú y và chủ đồng trong công tác tuyên truyền, cung cấp các loại vắc xin phòng chống dịch bệnh hiệu quả.
|