Chiều ngày 24/9/2020, Hội đồng tư vấn do ông Trần Thiềm, Phó Giám đốc Sở KH&CN, Chủ tịch Hội đồng đã tiến hành nghiệm thu đánh giá kết quả thực hiện đề tài KH&CN cấp tỉnh:“Nghiên cứu quy trình sản xuất và thương mại hóa sản phẩm Trà thảo dược hòa tan Giảo Cổ Lam từ nguồn nguyên liệu tự nhiên trên đảo Cồn Cỏ”. Đề tài do ông Trần Ngọc Lân, TUV, Giám đốc Sở chủ nhiệm, Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng và Thông tin KH&CN Quảng Trị chủ trì thực hiện.
|
Giảo Cổ Lam là một loài dược liệu có tên khoa học là Gynostemma pentaphyllum (Thunb.) Makino, thuộc họ Bầu bí (Cucurbitaceae). Còn có tên là cây Cỏ Thần kỳ, Ngũ diệp sâm, Thư tràng năm lá, thất diệp đởm, tiểu khổ dược (Nhật Bản), cây Trường thọ….Từ xa xưa Giảo Cổ Lam đã được dùng theo y học cổ truyền Trung Quốc. Người Trung Quốc từ lâu xem cây này như thuốc trường sinh, bởi lẽ người dân ở tỉnh Quý Châu uống trà Giảo Cổ Lam thường xuyên thì sống rất thọ. Cây này còn được gọi là nhân sâm phương Nam hay nhân sâm 5 lá. Giảo Cổ Lam được coi là một dược liệu quý được ghi trong sách cổ “Nông chính toàn thư hạch chú”, quyển hạ, năm 1639, của Trung Quốc. Tại huyện Cồn Cỏ, trong điều kiện tự nhiên lý tưởng, khí hậu mát lành cây thuốc quý Giảo Cổ Lam hiện sinh trưởng rất mạnh trên đảo. Nhưng hiện nay nguồn Giảo Cổ Lam trên địa bàn huyện còn được khai thác tự nhiên và sản phẩm chủ yếu vẫn là cây Giảo Cổ Lam phơi khô sắc uống dẫn đến giá trị và hiệu quả sử dụng loại thảo dược quý này còn chưa cao. Từ thực tế đó, đề tài được hình thành nhằm nghiên cứu để nâng cao hiệu quả sử dụng và giá trị kinh tế của loại thảo dược quý này.
Đề tài hướng đến mục tiêu chung là nghiên cứu, sản xuất thành công và thương mại hóa sản phẩm Trà thảo dược hòa tan Giảo Cổ Lam từ nguồn nguyên liệu tự nhiên trên đảo Cồn Cỏ, thúc đẩy khuyến khích người dân bảo tồn và nhân rộng diện tích trồng Giảo Cổ Lam, nâng cao thu nhập cho người dân.
Ông Trần Ngọc Lân, TUV, Giám đốc Sở chủ nhiệm đề tài phát biểu tại Hội đồng
Trước Hội đồng KH&CN, đơn vị chủ trì đã báo cáo các nội dung thực hiện và kết quả đạt được của đề tài. Cụ thể, đơn vị thực hiện đề tài đã báo cáo sản phẩm của đề tài gồm: Sản phẩm Trà hòa tan Giảo Cổ Lam Cồn Cỏ; Thiết kế bao gói sản phẩm; Hoàn thiện các Quy trình thu hái và sơ chế dược liệu Giảo Cổ Lam trong điều kiện tự nhiên; Quy trình chiết xuất và cô đặc tuần hoàn chân không; Quy trình Sấy, Nghiền và phối trộn sản phẩm Giảo Cổ Lam hòa tan. Đã phân tích định lượng hàm lượng saponin tổng số – là dược chất quý có trong nhân sâm và tam thất rất tốt cho sức khỏe, có trong cây Giảo Cổ Lam Cồn Cỏ là 10,6 % cao hơn so với các địa phương khác; hướng đến thúc đẩy thương mại hóa sản phẩm trên thị trường; Báo cáo tổng kết.
Sản phẩm Trà hòa tan Giảo Cổ Lam Cồn Cỏ
Các thành viên Hội đồng KH&CN đánh giá cao về các nội dung và kết quả đạt được của đề tài trong thực tiễn. Bên cạnh đó, các thành viên Hội đồng đã có những ý kiến góp ý và đề nghị đơn vị thực hiện tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng để bổ sung, chỉnh sửa như: cần tăng cường quảng bá và thương mại sản phẩm; tiếp tục hỗ trợ và khuyến khích người dân nhân rộng mô hình trồng thảo dược Giảo Cổ Lam tại địa phương.
Tại phiên họp các thành viên Hội đồng nhất trí nghiệm thu đề tài với xếp loại kết quả: Xuất sắc./.
|