Điểm lại chặng đường lịch sử hợp tác KH&CN giữa hai nước, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh cho biết, qua 20 năm hợp tác và phát triển (từ tháng 3/1997), Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường Việt Nam (nay là MOST) và BMBF đã ký kết nhiều Bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu KH&CN, qua đó tạo cơ sở cho việc tăng cường các hoạt động hợp tác giữa hai nước về KH&CN. Nhiều chương trình, dự án hợp tác nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ giữa hai nước đã được triển khai, thu được nhiều kết quả đáng khích lệ như: dự án về Hồ Hoàn Kiếm, dự án WISDOM, AKIZ, RAME, REMON, Kawatech… đã và sẽ mang lại những tác động đáng kể tới sự phát triển kinh tế - xã hội ở một số tỉnh ở Việt Nam. Đặc biệt là Dự án Kawatech “Nghiên cứu triển khai công nghệ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước ở các vùng núi đá vôi Việt Nam, áp dụng thử nghiệm ở một số khu vực thuộc Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang” đã góp phần cung cấp nước sạch cho đồng bào vùng cao Đồng Văn. Mô hình của dự án hứa hẹn có thể nhân rộng ra các địa phương khác của Việt Nam, góp phần cung cấp nước sạch, cải thiện cuộc sống của đồng bào vùng cao Việt Nam.

Chương trình hợp tác nghiên cứu “Quan hệ đối tác quốc tế cho công nghệ và dịch vụ bền vững để bảo vệ khí hậu và môi trường” (CLIENT), trong đó Việt Nam là một trong những nước được Đức ưu tiên hợp tác. Giai đoạn 1 của Chương trình này, hai Bộ đã cùng tài trợ cho 5 đề tài/dự án hợp tác nghiên cứu chung, với sự tham gia mạnh mẽ của giới doanh nghiệp Đức, góp phần giải quyết những vấn đề thực sự cấp bách đối với Việt Nam như giảm ùn tắc giao thông đô thị, cung cấp nước sạch cho vùng cao, tiếp thu công nghệ xử lý môi trường nước, công nghệ khai thác mỏ. Hiện nay, MOST đang phối hợp chặt chẽ với BMBF trong việc xây dựng các dự án thuộc khuôn khổ chương trình CLIENT II. Theo đó, BMBF sẽ tài trợ cho các dự án hợp tác nghiên cứu chung nhằm giải quyết những vấn đề cấp bách của Việt Nam như ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn, bảo vệ mực nước ngầm, công nghệ tưới nước tiên tiến tiết kiệm, xử lý môi trường nước khu khai khoáng, dự báo tác động đến tài nguyên nước vùng Đồng bằng sông Cửu Long do các đập thủy điện vùng thượng nguồn gây ra… Gần đây nhất, tháng 2/2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Hiệp định hợp tác về KH&CN giữa Việt Nam và CHLB Đức. Trong thời gian tới, MOST sẽ phối hợp với BMBF cùng trao đổi, xây dựng kế hoạch triển khai Hiệp định với kỳ vọng qua đó thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực KH&CN. Thứ trưởng Trần Quốc Khánh gửi lời cảm ơn đến BMBF nói chung và các nhà khoa học Đức nói riêng đã hỗ trợ Việt Nam trong suốt 20 năm qua và mong muốn sẽ nhận được nhiều chương trình tài trợ, hợp tác hơn nữa của Chính phủ Đức cho Việt Nam nhằm giúp Việt Nam phát triển kinh tế - xã hội ở những vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn.

Phó Tổng vụ trưởng, Vụ Hợp tác quốc tế về nghiên cứu và giáo dục BMBF, ông Frithjof A.Maennel phát biểu tại sự kiện
Phát biểu tại sự kiện, ông Frithjof A.Maennel, Phó Tổng vụ trưởng, Vụ Hợp tác quốc tế về nghiên cứu và giáo dục BMBF cho biết, Việt Nam là đối tác quan trọng của Đức và là 1 trong 5 đối tác quan trọng của Đức trong tương lai. Việc tăng cường mối quan hệ hợp tác song phương trong lĩnh vực KH&CN cần tiếp tục được duy trì và phát triển. BMBF mong muốn nhận được những ý tưởng mới với các dự án hợp tác giữa hai nước.
|