Ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được tỉnh lựa chọn là một trong những khâu đột phá trong quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, đưa nền nông nghiệp của tỉnh phát triển toàn diện theo hướng CNH, HĐH. Cùng với việc nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển cơ giới hóa nông nghiệp, những năm qua, tỉnh đã tập trung chỉ đạo và đầu tư các nguồn lực cần thiết cho ngành nông nghiệp nhằm khai thác lợi thế đất đai và lao động để tạo ra giá trị cao trên một đơn vị diện tích và tăng tính cạnh tranh cho sản phẩm.
Chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp theo Quyết định 68/2013/ QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ là cơ hội tốt giúp nông dân có điều kiện để đầu tư các loại máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Theo chính sách này, người nông dân vay vốn mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp được ngân sách cấp bù lãi suất 100% trong 2 năm đầu và 50% trong năm thứ 3 nên được đông đảo nông dân tích cực hưởng ứng. Qua hơn 3 năm triển khai, Hội Nông dân các cấp đã tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện, hướng dẫn tuyên truyền đưa chính sách đến với hội viên nông dân. Đến nay, hộ nông dân và tổ hợp tác của nông dân khắp nơi trong tỉnh đã vay vốn mua được hơn 100 chiếc máy nông nghiệp các loại. Việc hỗ trợ lãi suất cho nông dân vay vốn mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp đã đưa lại nhiều hiệu quả rõ rệt. Nông dân hiện đã làm chủ được phương tiện sản xuất, ứng dụng hiệu quả cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, góp phần giảm tổn thất trong nông nghiệp và phát triển kinh tế địa phương. Một số địa phương làm tốt như xã Trung Sơn, Gio Mai (Gio Linh); Hải Dương, Hải Trường (Hải Lăng); Vĩnh Giang, thị trấn Bến Quan (Vĩnh Linh)... Từ chính sách ưu đãi này, có hàng trăm hộ nông dân trên địa bàn được vay vốn để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và vươn lên làm giàu.
Ông Trần Văn Anh, ở xã Gio Mai, huyện Gio Linh cho biết: “Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo rất khó để tiếp cận được các nguồn vốn thương mại, nay nhờ có chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn mà gia đình tôi đã sắm được máy cày. Ngoài cày cho mình, tôi còn đi cày dịch vụ cho các hộ trong vùng nên có thêm nguồn thu nhập. Kinh tế gia đình nhờ đó được cải thiện rõ rệt”. Các công ty cung ứng máy như Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam cũng sớm tiếp cận, giới thiệu cho người dân lựa chọn các loại máy chất lượng tốt, công năng sử dụng phù hợp với đồng ruộng, phối hợp với ngân hàng để thực hiện giải ngân vốn kịp thời để nông dân sớm có máy đưa vào sử dụng. Nhờ thực hiện chủ trương đẩy nhanh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, đến nay trên địa bàn tỉnh đã cơ giới hoá gần 100% khâu làm đất, 85% khâu thu hoạch, 100% khâu tuốt thổi lúa, 60% khâu vận chuyển. Vì thế, việc tiếp tục hỗ trợ mua máy phục vụ cho sản xuất nông nghiệp sẽ là điều kiện quan trọng để giúp nông dân ứng dụng rộng rãi hơn cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, tạo hiệu quả cao. Hội Nông dân tiếp tục hỗ trợ và đồng hành với nông dân thực hiện có hiệu quả công tác tập huấn, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, dạy nghề liên quan đến việc vận hành, sửa chữa máy nông cụ...
Hiện nay, cơ cấu kinh tế nông nghiệp của tỉnh chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa có giá trị và hiệu quả cao. Đây là kết quả từ sự đầu tư toàn diện của tỉnh cho ngành nông nghiệp. Vì thế, để đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng CNH, HĐH thì việc đầu tư, ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được xem là giải pháp cơ bản nhất. Chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn để mua máy phục vụ sản xuất nông nghiệp thực sự là đòn bẫy thúc đẩy cơ giới hóa nông nghiệp, từng bước tổ chức sản xuất theo hướng công nghiệp, tăng năng suất lao động, nâng cao hiệu quả của các hình thức tổ chức sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế nông nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới.
|