Phó Cục trưởng Cục SHTT (Bộ Khoa học và Công nghệ) Phan Ngân Sơn cho biết, các sản phẩm đặc thù gắn với địa danh, hay những thương hiệu có danh tiếng và uy tín là những tài sản có giá trị về mặt kinh tế và xã hội. Vì thế, việc đề ra các chính sách, biện pháp để thúc đẩy hoạt động bảo hộ SHTT cho các sản phẩm đặc sản địa phương là rất quan trọng, qua đó tạo động lực cho phát triển sản xuất, kinh doanh và giúp người dân, doanh nghiệp tham gia hiệu quả vào thị trường. Thời gian qua, hoạt động SHTT ở địa phương đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ. Nhiều địa phương đã chủ động và tích cực tuyên truyền, tập huấn các nội dung liên quan SHTT, như: các quy định của pháp luật về SHTT, hướng dẫn đăng ký nhãn hiệu, khai thác quyền SHTT ở địa phương. Năm 2018 là năm có số lượt người dân, doanh nghiệp đề nghị tư vấn về sáng chế nhiều nhất từ trước đến nay, cho thấy sự quan tâm của xã hội đối với hoạt động đổi mới sáng tạo.
Thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, một số địa phương đã xác định được các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế, sản phẩm đặc sản để tập trung xây dựng thương hiệu, nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm. Thí dụ, tỉnh Sơn La đã xây dựng và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm chủ lực thông qua đẩy mạnh tiêu thụ, xuất khẩu các sản phẩm nông sản có tiềm năng, lợi thế của tỉnh và đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực. Đến nay, tỉnh Sơn La có 18 sản phẩm mang địa danh của tỉnh được Cục SHTT cấp văn bằng bảo hộ, trong đó sản phẩm chè Shan tuyết Mộc Châu đã được bảo hộ tại thị trường Thái-lan. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã được hỗ trợ, tạo điều kiện tham gia các hội nghị xúc tiến đầu tư, hội chợ xúc tiến thương mại. Tỉnh Lào Cai đã phê duyệt Dự án hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ; triển khai các dự án xác lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận cho các sản phẩm đặc hữu của tỉnh, như su su Sa Pa, mận Bắc Hà, lợn đen Mường Khương.
Nhận thức được tầm quan trọng của hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, năm 2019, tỉnh Quảng Ninh đã chi hơn một nghìn tỷ đồng cho phát triển khoa học và công nghệ. Tỉnh có dự án riêng về xây dựng thương hiệu, với kinh phí đầu tư gần 70 tỷ đồng. Trong năm 2018, Quảng Ninh có 332 đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu cho biết, SHTT rất quan trọng, quyết định thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. Từ khi có chỉ dẫn địa lý, giá trị thương hiệu của sản phẩm đã tăng mạnh, nhất là sản phẩm nông nghiệp gia tăng giá trị từ 20% đến 50%. Hà Tĩnh là địa phương nổi tiếng với nhiều đặc sản, đến nay, đã có 11 sản phẩm đặc sản được đăng ký sở hữu công nghiệp, trở thành tỉnh đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ về đăng ký, khai thác tài sản trí tuệ cho các sản phẩm của địa phương...
Tuy nhiên, hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ tại địa phương vẫn bộc lộ một số hạn chế. Nhiều địa phương cho biết, dù đã được quan tâm đầu tư nhưng hoạt động hỗ trợ chưa tương xứng tiềm năng và tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Một số cá nhân, doanh nghiệp chưa nhận thức được đầy đủ lợi ích, giá trị của việc xác lập, bảo hộ tài sản trí tuệ, cho nên chưa quan tâm tạo dựng, phát triển tài sản trí tuệ để gây dựng thương hiệu sản phẩm. Nhiều tài sản trí tuệ của các địa phương chưa khai thác được hết giá trị, thậm chí một số tài sản trí tuệ không duy trì sản xuất hoặc không đóng phí gia hạn văn bằng bảo hộ dẫn đến bị hủy bỏ hiệu lực bảo hộ. Hoạt động quản lý nhà nước về SHTT chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của xã hội trong tình hình mới. Công tác thẩm định đơn đăng ký sở hữu công nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu về thời hạn, cơ sở dữ liệu thông tin còn thiếu, hoạt động cung cấp thông tin sở hữu công nghiệp còn hạn chế, hoạt động hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ chưa được triển khai đồng đều trên cả nước, chưa xây dựng được nguồn nhân lực thật sự mạnh trong lĩnh vực SHTT.
Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng, khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là SHTT trong giai đoạn tới là vấn đề lớn đặt ra đối với cộng đồng khoa học và nhà quản lý. Do đó, các viện nghiên cứu, trường đại học, các địa phương cần tham mưu, lồng ghép, tư vấn đưa SHTT trở thành một bộ phận cấu thành của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội địa phương, lúc đó các sản phẩm chủ lực mới đóng góp đắc lực vào sự phát triển kinh tế của các địa phương.
|